Một trong những câu chuyện thường được nhắc đến mỗi dịp Tết của người trẻ, đó là Tết càng ngày càng chán. “Không khí Tết chẳng còn như xưa”, những trách nhiệm, những áp lực khiến chúng ta không còn nhìn Tết bằng một sự vô tư nữa. Chưa kể, dường như, càng ngày người trẻ càng thấy lạc lõng trong chính đại gia đình của mình mỗi dịp Tết. Hãy đọc bài viết của tác giả An Anh Vũ trên MXH Lotus, về câu chuyện ngày Tết khi trở thành người lớn trong gia đình.
"Tết này có về chứ con? Ngày mấy con ra vậy?"
"Dạ có chứ mẹ, nhưng con cũng bận lắm, phải đến tận 28 - 29 âm lịch con mới ra được cơ"
"Uh nhớ giữ sức khỏe đấy. Mấy anh chị em thỉnh thoảng cứ hỏi mẹ suốt bao giờ con về, một năm chỉ được có mấy dịp gặp nhau thôi, mày làm gì thì làm, liệu liệu mà về."
Cúp điện thoại của mẹ, đồng hồ trên màn hình máy tính cũng đã hơn 9 giờ tối. Nhìn qua cửa kính của tòa nhà công ty ở trung tâm Sài Gòn, ánh đèn từ các tòa nhà cao tầng, đèn pha xe máy ô tô hắt lên phản chiếu một màu sắc ảm đạm, khiến tôi cảm thấy khung cảnh xung quanh thật chậm lại. Là một đứa con Hà Nội, bỗng dưng tôi cảm thấy bồi hồi, nhớ và thèm cái không khí Tết lành lạnh ở nhà quá. Chắc hẳn tầm thời gian cận Tết này, ai cũng bận tối mặt tối mũi, nhưng âu cũng chỉ là cố gắng để mong ngóng cái cảm giác sắp được về nhà rồi, sắp được quây quần bên gia đình và người thân trong những giây phút thiêng liêng khi thời gian bước sang năm mới.
Nãy mẹ tôi nói gì nhỉ? À mẹ nhắc tới các anh chị em họ. Mà lần cuối mình gặp anh chị em nhà mình là lúc nào nhỉ? Hình như lần cuối là mấy tháng trước mình có ở Hà Nội, giỗ ông ngoại nhưng tối đó có hẹn với anh em trên công ty, nên buổi trưa chỉ tạt về chào hỏi được các bác một chút. Anh chị em họ trong gia đình lúc đấy cũng đều bận cả, đến tối họ mới ghé qua được. Tối hôm đó, tôi vẫn còn nhớ là khi đang đi ăn cùng công ty thì mẹ gọi điện: "Con đâu rồi? Có về được không, mọi người đang hỏi thăm con này, lâu lắm ra Hà Nội mà không thấy mặt.". Lúc đó, tôi cũng chỉ biết ái ngại đáp cho qua chuyện: "Vâng nhưng con đang bận mất rồi, để lúc khác con về gặp mọi người ạ."
Kể ra, nói xong câu đấy tôi cũng cảm thấy tệ thật vì những dịp cả họ hàng quây quần được với nhau cũng chỉ có những ngày giỗ của ông bà, tổ tiên, số lần trong một năm thì đếm vừa đủ trên một bàn tay. Đối với người lớn như bố mẹ chúng ta, những dịp mà cả họ hàng có cơ hội ngồi xuống, tụ họp với nhau thật là đáng quý và trân trọng biết bao. Còn đối với những người trẻ như chúng ta trong xu thế của thời hiện đại và vòng xoáy của sự mưu sinh, chúng ta đang dần cảm thấy mình lạc lõng, mất kết nối với những người thân trong gia đình.
Tại sao chúng ta lại cảm thấy như vậy nhỉ?
Giờ có một câu hỏi dành cho bạn: "Nếu có một dịp gặp mặt, giữa bạn bè/đồng nghiệp và họ hàng trong gia đình, bạn sẽ lựa chọn gặp ai?" Khi tôi đặt câu hỏi này cho bạn bè xung quanh tôi, xu hướng chọn gặp bạn bè/đồng nghiệp thường chiếm đa số. Vì sao chúng ta lại đưa ra quyết định như vậy? Đơn giản bởi đa phần thời gian trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta tiếp xúc với những mối quan hệ xã hội là nhiều nhất. Hàng ngày đi làm, từ 9 giờ sáng đến 18 giờ tối là các bạn đồng nghiệp, còn sau một ngày làm việc mệt nhoài hoặc cuối tuần để tranh thủ nạp năng lượng cho tuần làm việc mới, gặp bạn bè để được tám chuyện khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn nhiều. Qua đó, sợi dây liên kết giữa bạn và các mối quan hệ xã hội cũng tăng lên nhiều hơn. Bạn cảm thấy mình gắn kết và thoải mái hơn khi chia sẻ với họ, mức độ thấu hiểu và cảm thông giữa hai bên cũng sâu sắc hơn, có nhiều chủ đề mà hai bên có thể cùng nói chuyện và thảo luận.
Còn với anh chị em, họ hàng, khoảng thời gian mà chúng ta gắn bó với họ nhất có lẽ là những mảng kí ức, kỉ niệm từ thời thuở thơ ấu. Tôi vẫn còn nhớ như in hồi 7 - 8 tuổi, lúc mà bà ngoại còn sống và khỏe mạnh, cái nhà tập thể bé bé xinh xinh của bà là “tụ điểm” đúng nghĩa của “hội lũ cháu tinh nghịch” cứ mỗi cuối tuần là bố mẹ bận đi làm, buôn bán là lại gửi cháu nhờ bà trông. Mấy anh chị em với nhau hồi đó đều ăn chung, ngủ chung, nghịch chung, có gì là chia sẻ với nhau, kể cả những trận đòn roi của bà ngoại. Tôi nghĩ là ai trong chúng ta cũng đã từng may mắn trải qua quãng tuổi thơ tươi đẹp như vậy.
Nhưng bẵng đi ngót nghét hai chục năm sau, đứa nào đứa nấy đều đã trưởng thành. Ai rồi cũng sẽ khác, mỗi người đều có gia đình, sự nghiệp riêng của mình. Chúng ta bận rộn với cuộc sống riêng của mình và dần dần mất đi sự kết nối với gia đình, họ hàng. Thời gian làm chúng ta cảm thấy khoảng cách giữa mình và họ ngày một xa hơn. Đến khi có dịp gặp lại mọi người, chúng ta cảm thấy thật khó bắt chuyện, hay những câu hỏi thăm qua lại mà bản thân mình nghĩ thầm trong đầu sao thật sáo rỗng và khách sáo vậy.
Tôi có một cô bạn tâm sự rằng: "Mình bị đá hết ra khỏi các nhóm anh chị em họ hàng của gia đình chỉ vì mình không xuất hiện hay tham gia bất cứ buổi họp mặt gia đình nào. Cá nhân mình không cảm thấy thoải mái khi làm những việc mình không thích, cũng như mình không có cảm giác thân thương quen thuộc khi gặp lại họ hàng. Nhiều khi họ có những câu hỏi quá riêng tư khiến mình khó chịu nữa." Sau đấy tôi hỏi bạn ý rằng nếu có cơ hội, bạn có muốn kết nối lại với mọi người không? Cô bạn tôi dừng lại mấy giây đăm chiêu suy nghĩ: "Mình không biết nữa, nhưng với mình ở thời điểm hiện tại thì không cảm thấy cần, có thể sau này trưởng thành hơn thì mình sẽ suy nghĩ khác."
Nhưng liệu sự thật có phải vậy không? Điều mà thế hệ trẻ chúng ta đang suy nghĩ và cảm thấy như vậy có hoàn toàn đúng đắn trong bối cảnh xã hội ngày nay không? Để công bằng nhất mà nói, tôi nghĩ với tư tưởng tự do của thời hiện đại, điều mà các bạn trẻ suy nghĩ như vậy là có thể cảm thông được, nhưng chưa thực sự toàn diện và đầy đủ.
Chúng ta phải thừa nhận rằng khi suy nghĩ như vậy, chúng ta đang đặt sự ưu tiên, thoải mái của bản thân mình lên trước. Chúng ta đang quên đi vai trò và nghĩa vụ của mình cũng là một tế bào, là một mảnh ghép, là một thành viên trong một đại gia đình. Thực vậy, dù bạn có phát triển lớn mạnh đến đâu, cơ ngơi và sự nghiệp hoành tráng thế nào, nhưng cuối cùng bạn vẫn cần quay trở về với cội nguồn gia đình của mình, nơi mà mình đã sinh ra và lớn lên. Khi trưởng thành hơn nữa, bạn sẽ nhận ra có những câu chuyện hay sự việc mà bạn chẳng thể nào tâm sự được với các mối quan hệ xã hội của mình, mà lúc đó chỉ có gia đình và người thân mới không nề hà gì khi giúp đỡ bạn. Tình máu mủ ruột thịt nó vẫn là một thứ gì đó rất thiêng liêng.
Khi trưởng thành hơn nữa, bạn sẽ nhận ra có những câu chuyện hay sự việc mà bạn chẳng thể nào tâm sự được với các mối quan hệ xã hội của mình, mà lúc đó chỉ có gia đình và người thân mới không nề hà gì khi giúp đỡ bạn. Tình máu mủ ruột thịt nó vẫn là một thứ gì đó rất thiêng liêng.
Hai năm trước bà ngoại tôi mất. Ngày bà mất là ngày mà cả gia đình, họ hàng, anh chị em mới tập hợp lại được đông đủ nhất. Tôi gặp lại anh chị em họ của mình, không còn là những đứa trẻ con mè nheo với bà ngoại như trước nữa, ai cũng xắn tay áo vào nhận một công việc. Cái cảm giác khi vừa làm, mọi người vừa tranh thủ hỏi thăm nhau, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, khiến cảm xúc thời ấu thơ lại ùa về. Thứ tình cảm thiêng liêng của gia đình, sự gắn bó tinh thần với nhau mà không ở đâu có được, khiến tôi chợt hiểu hơn một chút về ý nghĩa thực sự của sự gắn kết trong gia đình họ hàng.
Khi bạn đi vào đôi ủng của người lớn, khi bạn đặt mình vào suy nghĩ và vị trí của họ, tôi dần hiểu hơn tại sao mẹ lại dặn dò tôi như vậy. Đó không phải là một lời trách móc, cũng không phải là một trách nhiệm buộc tôi phải làm, mà đó chỉ là một sự nhắn nhủ giúp tôi nhận thức ra được sự quan trọng của tình cảm gia đình là gì.
Cứ mỗi dịp Tết đến, người trưởng thành như chúng ta lại than thở vì chán, càng lớn là càng muốn né tránh những ngày này ra vì cảm thấy phiền phức khi gặp gia đình, họ hàng. Nhưng có lẽ, chúng ta đang thực sự quên đi ý nghĩa thực sự của ngày Tết - là một dịp hiếm hoi trong năm mà bạn mới có thể quây quần với gia đình người Văn phòng dịch thuật thân của mình. Năm nay, tôi sẽ thử mở lòng và chủ động hơn khi gặp lại mọi người, bạn cũng đâu mất gì khi thử làm vậy phải không? Biết đâu chúng ta lại có những trải nghiệm và kỉ niệm đáng nhớ hơn trong dịp Tết này thì sao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét